Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam – CTCP

Ngày 01/3/2023, tại Hà Nội, Ông Đỗ Hữu Huy Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2).

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam.

Tham dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo các Vụ và Văn phòng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về phía Vinafood 2 có đại diện Ông Nguyễn Huy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; Ông Trần Tấn Đức, Quyền Tổng Giám đốc, đại diện Lãnh đạo Tổng công ty và đại diện cổ đông chiến lược T&T.

Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của Vinafood 2 và ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo Vụ Nông nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ và Văn phòng Ủy ban. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vinafood 2 đã có sự ổn định và tăng trưởng về mọi mặt so với năm trước.

Trong năm 2021, Tổng công ty có doanh thu thuần 16.653,025 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 273,227 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng cắt giảm hạn mức dẫn đến thiếu nguồn vốn kinh doanh, thiếu dòng tiền trả nợ vay, chi phí phát sinh lớn dẫn đến lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Năm 2022, trước những khó khăn và thách thức do biến động của thị trường thế giới nói chung và thị trường gạo nói riêng; tình hình tài chính của Tổng công ty luôn trong tình trạng khó khăn. Trong điều kiện đó, với sự nỗ lực không ngừng vượt qua khó khăn và duy trì hoạt động ổn định của tập thể lãnh đạo và người lao động Vinafood 2; sự chỉ đạo quyết liệt của Ban lãnh đạo trong việc thực hiện đổi mới phương thức quản trị tập trung, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức sản xuất, tìm các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các đơn vị phụ thuộc. Từ đó, đã có kết quả khả quan so với năm 2021, trong đó ngành hàng chính là lương thực với sản lượng và doanh thu vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể:

Toàn Tổng công ty có sản lượng quy gạo bán ra năm 2022 là 1.153.749 tấn, đạt 128,89% so với kế hoạch năm, bằng 117,35% so với cùng kỳ năm trước; bột mì bán ra là 20.694 tấn; cá cơm thành phẩm bán ra là 292 tấn; thực phẩm chế biến bán ra là 14.875 tấn; bao bì bán ra là 7.785 tấn; nước khoáng bán ra là 12,159 triệu lít. Tổng doanh thu năm 2022 là 17.717,101tỷ đồng đạt 112,73% so với kế hoạch năm, đạt 104,99% so với cùng kỳ. Về lợi nhuận trước thuế, tổng hợp toàn Tổng công ty năm 2022 ước lãi 91,344 tỷ đồng đạt 104,11% kế hoạch năm; nộp ngân sách ước thực hiện năm 2022 là 197,802 tỷ đồng; tiền lương bình quân ước thực hiện là 8,03 triệu đồng/người/tháng.

Sau khi nghe báo cáo về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Vinafood 2, Ông Đỗ Hữu Huy Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhận định, biểu dương những nỗ lực của Nhóm người đại diện vốn nhà nước và Hội đồng quản trị Vinafood 2 trong việc thực hiện kịp thời các giải pháp linh hoạt, đột phá để cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt quyết liệt trong việc kiện toàn nhân sự; chủ động rà soát, phân loại tài sản; sắp xếp bộ máy doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị không hiệu quả, mất vốn; tăng cường thu hồi công nợ khó đòi…

Về phương hướng năm 2023, Ông Đỗ Hữu Huy Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Vinafood 2 tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trong thời gian qua về tăng cường công tác quản lý vốn, tài sản đầu tư tại doanh nghiệp trong tình hình thị trường thế giới dự báo có nhiều biến động, khó khăn và thách thức. Tập trung cao độ cho công tác quyết toán cổ phần hóa, đồng thời phối hợp với Vụ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan để hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với một số cơ sở nhà, đất còn vướng mắc, trên cơ sở đó khai thác tối đa nguồn lực về đất đai, tài sản để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ, kịp thời các quy chế, quy trình quản trị nội bộ nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý điều hành, đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, Tổng công ty cần tiếp tục tăng cường phối hợp có hiệu quả, thống nhất trong Hội đồng quản trị, giữa đại diện vốn nhà nước với cổ đông chiến lược, các cổ đông khác để thông qua Điều lệ, quy chế người đại diện, quy chế phối hợp, quy chế làm việc và quy chế quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp với công ty đại chúng; triển khai áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, từng bước đưa Tổng công ty ngày càng lớn mạnh.

Kết thúc cuộc họp, Ông Nguyễn Huy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bổ sung, hoàn thiện chương trình hoạt động của Tổng công ty trong thời gian tới; đồng thời, tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đề ra với nỗ lực cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu và nhiệm vụ được giao./.