Ngân hàng MHB và VINAFOOD II cùng ký kết hợp tác thúc đẩy hình thành chuỗi cung ứng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu long

Ngày 12/11/2014, tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội nghị ký kết và triển khai chương trình hợp tác giữa ngân hàng TMCP Phát triển nhà ĐBSCL (MHB) và VINAFOOD II nhằm thúc đẩy xây dựng liên kết giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất cung ứng và kinh doanh lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu long”.

Ông Huỳnh Nam Dũng – Chủ tịch HĐQT MHB và ông Phạm Hoàng Hà – Chủ tịch HĐTV VINAFOOD II cùng tham gia ký kết hợp tác (Ảnh: Duy Phúc)

Các khách mời tham dự buổi lễ gồm có ông Võ Trọng Hữu – Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, ông Nguyễn Hồng Minh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh phía Nam, Ban lãnh đạo Vinafood 2 và hơn 30 đơn vị thành viên, Ban lãnh đạo MHB và Giám đốc các chi nhánh tại 13 tỉnh ĐBSCL.

Tại buổi ký kết, ông Huỳnh thế Năng – Tổng giám đốc Vinafood 2 đã nêu ra những thành tựu nổi bật về sản xuất kinh doanh lúa gạo của Việt nam. Tuy nhiên bên cạnh đó ông Năng cũng nhấn mạnh rằng thị trường lúa gạo dần bộc lộ những biểu hiện cho thấy chưa bắt nhịp với nhu cầu phát triển như người nông dân không tuân theo cơ chế thị trường; tập quán giao dịch theo hình thức mua tại đồng bán tại nhà, nông dân bán lúa ngay sau khi thu hoạch để chi trả các loại phí theo quy định, chuẩn bị cho vụ sau, cũng như chi dùng khác; hệ thống phân phối vật tư đầu vào vẫn phải thông qua các đại lý…, chính những điều này tạo ra rủi ro lớn về chất lượng cũng như là giá cả hàng hóa. Một trong những khó khăn chính đối với hoạt động kinh doanh lúa gạo hiện nay là số lượng lúa hàng hóa sản xuất không đều giữa các vụ trong năm trong khi nhu cầu thị trường thế giới lại “lệch pha” với thời vụ thu hoạch lúa.

Để ổn định thị trường lúa gạo, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp lý của người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương trong mấy năm qua đã thi hành nhiều biện pháp để điều hòa cung cầu, ổn định thị trường. Những biện pháp can thiệp trên đã góp phần to lớn vào công tác bình ổn thị trường lúa gạo trong thời gian qua. Nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế mang tính cấp bách, nên cũng như mọi biện pháp hành chính khác, thường nảy sinh một số tiêu cực và còn hạn chế hiệu quả.

Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc VINAFOOD II phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Duy Phúc)

Ông Năng nhấn mạnh đòi hỏi hiện nay là cần phải có sự thay đổi về chất lượng trong chuỗi liên kết sản xuất-cung ứng-kinh doanh lúa gạo. Trọng tâm của chương trình này là tạo ra được mối liên kết bền vững giữa các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích chính đáng của nông dân và các thành phần khác trong quá trình từ gieo trồng, sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ lúa gạo.

Các thành phần chính trong chuỗi sản xuất theo đề án cảu Vinafood 2 bao gồm: nông dân – người trực tiếp sản xuất lúa gạo; các DN tư nhân (công ty TNHH, hộ kinh doanh cá thể) – thu gom, chế biến, cung ứng, và các công ty kinh doanh lương thực xuất khẩu. Đây là sự phân công tự nhiên hợp lý, dựa trên hiệu quả xã hội và quy luật sàng lọc của thị trường.

Những người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo cần được đảm bảo nguồn thu nhập chính đáng, ổn định và phát huy liên kết tự nguyện đối với các dịch vụ cung ứng, thu mua trong sản xuất như trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”.

Các hộ kinh doanh gia đình, các công ty TNHH tư nhân kinh doanh lương thực là những đơn vị trực tiếp ảnh hưởng đến nhịp độ thu mua lúa gạo của nông dân, xuất phát từ nhịp độ xuất khẩu gạo của các công ty xuất nhập khẩu lúa gạo. Vì vậy, các đơn vị này cần thiết phải được tổ chức lại thành các hội, nhóm để họ có một vị thế chính đáng trong các quan hệ mua bán, thông qua những quy định và luật lệ về kinh doanh, được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực cần tập trung vào việc tìm kiếm thị trường, đối tác xuất khẩu bên ngoài. Nếu việc xuất khẩu gặp khó khăn hay giá thành xuất khẩu thấp sẽ không đủ điều kiện lưu thông dòng lúa gạo một cách trơn tru trong toàn bộ thị trường lúa gạo. Đồng thời, thông qua hợp đồng kinh tế của các đơn vị thành viên Vinafood 2 với các thành phần khác trong chuỗi sản xuất, cung ứng là lưu thông, kinh doanh lúa gạo để tổ chức họ lại theo trật tự thị trường về giá cả, chất lượng và định hướng của Chính phủ.

Việc MHB và VINAFOOD II quyết định triển khai chương trình hợp tác chiến lược, nhằm thúc đẩy xây dựng mối liên kết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa gạo khu vực ĐBSCL được kỳ vọng sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng và tạo điều kiện liên kết của nông dân và các thành phần khác nhau trong quá trình từ sản xuất, cung ứng dịch vụ đến lưu thông, tiêu thụ lúa.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch HĐQT MHB cho biết, tham gia chương trình liên kết, người nông dân sản xuất lúa gạo trong khu vực sẽ được đảm bảo đầu ra ổn định và có lợi nhuận. Các hộ gia đình, các công ty TNHH thu mua sẽ được đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (nếu có) một cách thuận tiện và an toàn nhất. Song song đó, giá thành sản xuất của gạo xuất khẩu sẽ được giảm do tiết kiệm được các chi phí trung gian, góp phần điều tiết giá thị trường lúa gạo theo chủ trương của Chính phủ.

Tăng Phan Duy Phúc.