Sau khi tái cơ cấu bộ máy tổ chức từ tháng 10 năm 2021, quý I/2022 Tổng công ty Lương thực miền Nam đã lãi trở lại và mức này cao gấp nhiều lần so với mục tiêu cả năm 2022.
Ngày 31/5, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã chứng khoán VSF) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tại TP. Hồ Chí Minh. Tại đại hội lần này, Ban lãnh đạo của Vinafood 2 đã hé lộ nhiều kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp này đã thực hiện từ tháng 10 năm 2021.
Cụ thể, trong năm 2021 tổng doanh thu thuần của Vinafood 2 đạt 16.563 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ, song lợi nhuận gộp giảm so với năm 2020 do giá vốn tăng cao. Sau khi trừ chi phí, công ty ghi nhận lỗ ròng 326 tỷ đồng, tăng 36,5% so với năm trước. Như vậy, kết thúc năm 2021, “vua” xuất khẩu gạo một thời đã có tổng số lỗ lũy kế lên 2.651 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, sản phẩm bán ra chủ lực của doanh nghiệp này là gạo đã giảm mạnh 30,99% so với năm 2020 và chỉ đạt 459.970 tấn, trong đó xuất khẩu trực tiếp giảm 13,75% và tiêu thụ nội địa giảm trên 54,5%. Riêng sản lượng bột mì và thực phẩm chế biến bán ra tăng hơn so với năm 2020, lần lượt là 17,65% và 19,7%.
Theo lãnh đạo công ty, nguyên nhân thua lỗ là do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nên tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, chi phí phát sinh lớn. Theo đó, trong suốt 2 năm đại dịch, do chính sách xuất khẩu gạo ở các thị trường chính của Việt Nam có nhiều thay đổi bất lợi cho hoạt động kinh doanh gạo; hệ thống logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề dẫn tới cước vận chuyển tăng đột biến. Bên cạnh đó, do thiếu vốn để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng ảnh hưởng đến hoạt động mua vào của Tổng công ty.
Ngoài ra, bộ máy kinh doanh yếu và thiếu nhân sự, đặc biệt ở các đơn vị phụ thuộc rất bị động trong kinh doanh. Cụ thể, trong 14 đơn vị phụ thuộc và văn phòng Tổng công ty thì chỉ có hai đơn vị hoạt động kinh doanh có hiệu quả, các đơn vị còn lại hoạt động đều bị lỗ.
Cổ đông của Vinafood II
Thông tin về kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, ông Nguyễn Huy Hưng – Chủ tịch HĐQT của Vinafood 2 cho biết, năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 15.717 tỷ đồng (bằng 94% so với thực hiện năm 2021), lợi nhuận trước thuế đạt 104 triệu đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 298 tỷ đồng năm ngoái.
Chia sẻ về kế hoạch chuyển lỗ thành lãi trong 2022, Ông Hưng nhấn mạnh: “Từ tháng 10/2021 đến nay, Tổng công ty nhận được nhiều sự quan tâm sát sao của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trong chỉ đạo thực hiện định hướng phát triển, sự đồng thuận từ ban lãnh đạo xuống người lao động nên việc hoạt động kinh doanh đang dần đi vào ổn định, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu suất lao động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và trong quý I/2022 bắt đầu có lãi. Thời gian tới , Tổng công ty sẽ thực hiện theo mô hình quản lý tập trung, trong đó tổ chức kinh doanh lương thực theo hướng tập trung, tăng cường cạnh tranh, phân chia thị trường, điều phối hoạt động kinh doanh mua bán tại các đơn vị phụ thuộc, đặc biệt sẽ tăng cường công tác phát triển thị trường, truyền thông, marketing nhằm đưa Vinafood II trở thành thương hiệu “ vua” trong ngành lúa gạo trong nướcđủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế.
Một nội dung đáng chú ý trong Đại hội là Tổng Công ty miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT gồm bà Nguyễn Thị Hoài và ông Nguyễn Ngọc Nam.
Ngoài ra, ngày 20/5, Công ty nhận được Giấy đề nghị của nhóm cổ đông CTCP Tập đoàn T&T, cổ đông chiến lược sở hữu 25% vốn điều lệ đề cử bà Hồ Thị Cẩm Vân tham gia Thành viên HĐQT Công ty. Công ty đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Sau khi hoàn tất quy trình, Công ty sẽ bầu bổ sung thành viên HĐQT. Tuy nhiên, trong đại hội này, Công ty sẽ không bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Được biết, tính tới 31/3/2022, Vinafood II có 2 cổ đông lớn là Nhà nước sở hữu 51,43% vốn điều lệ, CTCP Tập đoàn T&T sở hữu 25% vốn điều lệ và còn lại 23,57% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Cũng trong thời gian này, Tổng công ty thực hiện miễn nhiệm chức danh Kiểm soát viên đối với ông Trần Vĩnh Thanh và bầu bà Trần Thị Đoàn Thu thay thế.
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau 4 năm Công ty mới tổ chức đại hội và đạt được tỷ lệ tán thành cao giữa nhà nước và nhóm cổ đông chiến lược.
Đồng thời, ông Huy cho biết thêm, trách nhiệm đặt ra với Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là làm thế nào để vực dậy Vinafoood 2 – một Tổng công ty lớn được xếp vào hàng ngũ tập đoàn quan trọng của nhà nước đang làm ăn thua lỗ, tồn tại nhiều vấn đề trong quản lý điều hành. Điều này đòi hỏi cần phải có định hướng phát triển với một số giải pháp cấp bách trong thời gian tới.
Thứ nhất, Tổng công ty thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước về tài sản, bảo toàn vốn.
Thứ hai, tập trung cao độ quyết toán đối với cổ phần hoá… tài sản liên quan tới đất đai.
Thứ ba, thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính phủ bình ổn giá lương thực, đặc biệt khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thứ tư, thống nhất giữa cổ đông nhà nước và cổ đông chiến lược phù hợp với công ty đại chúng, sớm hoàn thiện chức danh Tổng giám đốc.
Thứ năm, tập trung đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Điều bất ngờ là theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 được công bố gần đây của Vinafood 2 thì lợi nhuận của doanh nghiệp này đã cao gấp 48 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm (cả năm 104 triệu đồng). Theo đó, kết thúc quý I, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 5 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với mức lỗ gần 74 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sau thuế, công ty lãi ròng 482 triệu đồng, lần đầu tiên lãi trở lại sau 9 quý thua lỗ (cùng kỳ năm ngoái lỗ 78 tỷ đồng).
Thực hiện: Nguyễn Bình- Văn Linh