ĐỒNG THÁP – Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Tam Nông không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận ít nhất 30% mà còn thân thiện với môi trường sinh thái.
2 năm gần đây, sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có bước phát triển vượt bậc, từ 20ha lúa hữu cơ ban đầu đã nâng lên gần 200ha trong toàn huyện. Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ có kết quả khá rõ rệt, đem đến nhiều hiệu ứng tích cực, hấp dẫn cả nông dân và doanh nghiệp tham gia.
Sản phẩm gạo mang thương hiệu Senta được sản xuất từ cánh đồng lúa hữu cơ 20ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông). Ban đầu, một nhóm nông dân của HTX có chung ý tưởng cùng nhau ven lưới nuôi trữ cá vào mùa nước nổi và trồng lúa theo hướng hữu cơ.
Tiếp đó, với sự quyết tâm của nông dân và hướng dẫn của ngành nông nghiệp, qua các vụ lúa, các thành viên HTX được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và xây dựng các mô hình xen lúa – vịt, hoặc lúa – cá – vịt. Sau đó được số hóa quy trình canh tác bằng phần mềm nhật ký điện tử.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến là người tiên phong, trực tiếp thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp. Xuất phát từ năm 2023 với diện tích ban đầu là 20ha/8 hộ tham gia, đến năm 2024, diện tích lúa được sản xuất theo quy trình hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải của HTX được mở rộng lên 80ha/23 hộ.
Sau 2 năm thực hiện, mô hình được nhiều nông dân hưởng ứng tham gia và rất hài lòng về quy trình kỹ thuật như áp dụng biện pháp sạ cụm, sạ thưa giúp giảm lượng giống còn 50 – 70kg/ha; sử dụng phân hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ và giảm khoảng 30 – 40% lượng phân vô cơ so với bên ngoài (khoảng 100 – 150kg/ha); giảm được số lần phun thuốc BVTV từ 2 – 3 lần phun so với ngoài mô hình.
Sau khi thu hoạch, rơm được thu gom khỏi ruộng khoảng 87,5% (tương đương với diện tích 70/80ha), phần còn lại nông dân trong mô hình phun nấm Trichoderma để phân hủy rơm rạ tạo thêm dinh dưỡng cho đất. Nông dân trong HTX cũng áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch (sạ lúa, phun thuốc, phun phân, thu hoạch).
Qua nhiều vụ canh tác, anh Tuấn nhận thấy đa số nông dân trong HTX tham gia mô hình đã thay đổi được tuy duy trong sản xuất lúa, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng máy sạ cụm để gieo sạ, phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay (drone), bón phân hữu cơ để cải tạo đất…
Ông Nguyễn Hoài Bão, Giám đốc Công ty TNHH Wildbird Tràm Chim (huyện Tam Nông) cho biết: Hiện nay Công ty đang liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến sản xuất lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng mang thương hiệu gạo Senta. Công ty mong muốn thông qua liên kết sản xuất, sẽ giúp nông dân Tam Nông làm giàu từ việc sản xuất lúa hữu cơ và đặt mục tiêu sẽ bán được gạo hữu cơ với giá cao hơn 2 – 3 lần khi vào được các thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông phấn khởi cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này và nhân rộng thêm các diện tích ô bao khác trong huyện để tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Huyện cũng sẽ kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đồng thời kêu gọi nông dân, tổ hợp tác, hội quán… thỏa thuận giá với doanh nghiệp để thuận lợi trong tiêu thụ lúa gạo.
Lúa sau khi thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu nên nông dân tham gia mô hình đều tăng lợi nhuận từ 30% trở lên so với canh tác truyền thống. Tuy lúa canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất không đạt bằng canh tác truyền thống nhưng nhờ ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp và được thu mua với giá cao hơn thị trường mỗi ký từ 1.500 – 2.000đồng/kg nên nông dân vẫn tăng được lợi nhuận.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam