Ấn Độ vừa chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati sau hàng hoạt sách hạn chế xuất khẩu gạo, khiến thị trường hạ nhiệt hơn.
Ông Santosh Kumar Sarangi, Tổng giám đốc Tổng cục Ngoại thương thuộc Bộ Thương Mại và Công nghiệp Ấn Độ đã ký quyết định bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basamati. Tuy nhiên, kèm theo đó là điều kiện giá sàn để xuất khẩu mặt hàng này là 490 USD/tấn.
Sau hơn 1 năm thực hiện hàng loạt các chính sách hạn chế xuất khẩu, Ấn Độ – thị trường chiếm tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu còn trên 32 triệu tấn gạo tồn kho (cao hơn 38,6% so với năm ngoái).
Động thái này, sẽ thúc đẩy nguồn cung trên thị trường thế giới phong phú, buộc các nước xuất gạo chính như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá để tăng tính cạnh tranh ở thị trường này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 3 USD xuống còn 562 USD/tấn nhưng vẫn cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan đang ở mức 556 USD/tấn và Pakistan là 532 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ không tác động nhiều lên giá lúa gạo xuất khẩu trong nước. Bởi gạo Ấn Độ chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Trong khi đó tại Việt Nam, phần lớn diện tích đã được bà con chuyển sang trồng các giống lúa chất lượng cao và phân khúc thị trường xuất khẩu khác của Ấn Độ.
Theo bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang cung cấp thông tin thị trường lúa gạo thế giới SSRicenews, hiện tại giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Myanmar từ 480 – 500 USD/tấn, Pakistan khoảng 500 – 510 USD/tấn.
Do vậy, việc Ấn Độ đưa ra giá sàn 490 USD/tấn khá sát với thị trường hiện tại, hạn chế tình trạng giảm giá ồ ạt.
Bà Hương cho rằng, lúc này, doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh theo dõi, nhất là trong bối cảnh nguồn cung của Việt Nam từ nay đến cuối năm không nhiều. Dự báo, từ năm 2025, hoạt động xuất khẩu gạo thế giới sẽ trở lại trạng thái bình thường với sự tham gia của Ấn Độ. Điều này dẫn đến, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam và các nước có thể gặp nhiều thách thức.
Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, kế hoạch sản xuất trong năm tới, diện tích gieo trồng lúa vẫn ổn định trên 7 triệu ha, sản lượng trên 43 triệu tấn. Đặc biệt, ngành hàng lúa gạo Việt Nam không chạy theo thị trường mà tập trung vào nâng cao chất lượng. Trong đó, trọng tâm là thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp nằhm nâng tầm hạt gạo Việt, phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của toàn ngành nông nghiệp.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam