Ngày 28/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). Cùng tham gia đoàn công tác của Ủy ban còn có đồng chí Nguyễn Quế Dương, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp Ủy ban; đồng chí Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cùng đại diện một số vụ chức năng của Ủy ban.
Đại diện các cơ quan Trung ương có đồng chí Trịnh Ngọc Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn VII, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Vũ Trí Thắng – UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; đồng chí Nguyễn Hà Xuyên – UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn NN&PTNT VN.
Về phía Vinafood II, có đồng chí Nguyễn Huy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, đồng chí Trần Tấn Đức, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc cùng các đồng chí Ban thường vụ Đảng ủy, thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc; Trưởng/phó các Ban nghiệp vụ và đại diện lãnh đạo các Công ty thành viên trực thuộc.
Thay mặt lãnh đạo Tổng công ty, đồng chí Trần Tấn Đức, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc và đồng chí Bạch Ngọc Văn, Phó Tổng Giám đốc lần lượt trình bày các báo cáo tổng kết Đảng và báo cáo sản xuất kinh doanh năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.
Đồng chí Trần Tấn Đức cho biết, mặc dù năm 2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát ở một số nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, tăng trưởng thương mại toàn cầu chịu ảnh hưởng từ cạnh tranh địa chính trị diễn biến căng thẳng, khó lường từ đó làm mất ổn định nền kinh tế toàn cầu. Trong nước, tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều thách thức lớn; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp… từ đó tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, người lao động, Tổng công ty đã thực hiện quyết liệt trên tất cả mọi phương diện, vừa hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện tốt các mặt công tác xây dựng Đảng.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/ĐUK ngày 09/01/2024 của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về nhiệm vụ công tác năm 2024. Đảng ủy Tổng công ty lãnh đạo xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 64-NQ/ĐUTCT ngày 28/02/2024 về nhiệm vụ công tác năm 2024 và đạt được nhiều kết quả khả quan trên tất cả các mặt, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến xây dựng Đảng, cụ thể là công tác chính trị tư tưởng, cán bộ, kiện toàn cấp ủy, bảo vệ chính trị nội bộ, kiểm tra giám sát…
Về sản xuất kinh doanh, mặc dù bằng sông Cửu Long mặc dù gặp nhiều điều kiện bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn trong vụ Đông Xuân 2023-2024, mưa lớn, dông lốc cuối vụ Hè Thu và đầu vụ Thu Đông, song toàn Tổng công ty vẫn đạt được kết quả tốt khi năng suất, sản lượng đều tăng so với năm 2023. Ước diện tích xuống giống lúa năm 2024 đạt 3,8 triệu ha, thấp hơn cùng kỳ 16,35 nghìn ha, với năng suất 6,3 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24,134 triệu tấn, tăng 11,16 nghìn tấn so với năm 2023. Tổng lượng gạo xuất khẩu Việt Nam 11 tháng năm 2024 đạt gần 8,5 triệu tấn, trị giá 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%, Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines tăng 59,1%, thị trường Indonesia tăng 20,2%, thị trường Malaysia tăng 2,2 lần.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 đạt mức 522,2 triệu tấn, tăng gần 1,24%, tương đương tăng 6,4 triệu tấn so với năm 2022-2023. Trong đó, Trung Quốc đạt sản lượng 144,62 triệu tấn, Ấn Độ đạt sản lượng 134 triệu tấn, Bangladesh đạt sản lượng 37 triệu tấn, Indonesia đạt sản lượng 33 triệu tấn. Mức tiêu thụ gạo toàn cầu dự kiến ở mức 523,2 triệu tấn, tăng hơn 2,9 triệu tấn so với năm 2023. Thương mại gạo toàn cầu năm 2024 dự báo đạt mức 57 triệu tấn, tăng 3,7 triệu tấn so với 2023. Tồn kho toàn cầu dự báo 179,3 triệu tấn, tăng 100 nghìn tấn so với niên vụ 2023, Ấn Độ là nước chiếm phần lớn mức tăng trong lượng dự trữ toàn cầu trong niên vụ 2023-2024.
Đặc biệt, các nước xuất khẩu gạo chính là Ấn Độ đã dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo từ cuối tháng 09/2024, dự kiến xuất khẩu năm 2024 đạt 18 triệu tấn; Thái Lan dự kiến xuất khẩu 9 triệu tấn; xuất khẩu của Việt Nam cũng được dự báo lên đến 8,5 triệu tấn trong năm 2024. Về nhập khẩu, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với mức dự kiến 4,7 triệu tấn, EU 2,1 triệu tấn, Nigeria 2 triệu tấn, Trung Quốc 1,5 triệu tấn…
Trong bối cảnh, tình hình như đã trình bày ở trên; trên cơ sở các kết quả khả quan đã đạt được từ đầu năm, Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc đã có những quyết sách vô cùng mạnh mẽ trên tất cả các hoạt động để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/2024/VSF-ĐHĐCĐ ngày 24/4/2024 của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
Theo đó, về chỉ tiêu các mặt hàng chính mua vào (ước thực hiện) năm 2024 như sản lượng quy gạo mua vào 1.258.419 tấn đạt 134,45% so kế hoạch; lúa mì mua vào 20.784 tấn đạt 109,39% so kế hoạch; cá cơm nguyên liệu mua vào 1.149 tấn đạt 127,67% so kế hoạch; hạt nhựa mua vào 1.150 tấn đạt 85,82% so kế hoạch; xăng dầu mua vào 27,656 triệu lít đạt 109,75% so kế hoạch; xe Honda mua vào 6.493 chiếc đạt 101,45% so kế hoạch…
Về chỉ tiêu các mặt hàng chính bán ra (ước thực hiện) năm 2024 như sản lượng gạo bán ra 1.222.055 tấn, đạt 130,56% so kế hoạch; bột mì bán ra 16.606 tấn đạt 97,68% so kế hoạch; cá cơm thành phẩm bán ra 249 tấn đạt 110,67% so kế hoạch; thực phẩm chế biến bán ra 14.690 tấn đạt 96,64% so kế hoạch; bao bì bán ra 11.156 triệu cái đạt 91,44% so kế hoạch; nước khoáng bán ra 14,074 triệu lít đạt 90,80% so kế hoạch; xăng dầu bán ra 26,739 triệu lít đạt 106,11% so kế hoạch; xe Honda bán ra 6.528 chiếc đạt 102% so kế hoạch.
Các chỉ tiêu khác như kim ngạch xuất khẩu, tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách nhà nước…đều vượt so với kế hoạch. Đặc biệt là các chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng doanh thu có bước tăng trưởng lớn, lần lượt đạt 135,18%, 120,25% so kế hoạch, …
Lý giải về các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch, Phó Tổng Giám đốc Bạch Ngọc Văn cho rằng, có cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thị trường Indonesia, Malaysia (những khách hàng lớn của Tổng công ty) tăng nhu cầu nhập khẩu; cuối quý III/2024 Ấn Độ mới mở cửa thị trường xuất khẩu gạo…Bên cạnh đó, sau khi tái cơ cấu sắp xếp, năm 2024 đa số các đơn vị phụ thuộc, công ty cổ phần đã hoạt động ổn định, có hiệu quả góp phần cho Tổng công ty hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được chủ sở hữu, Đại hội đồng cổ đông giao.
Ngoài ra, cá công tác tổ chức – nhân sự; lao động tiền lương; tài chính; đầu tư xây dựng, sắp xếp lại, xử lý nhà đất, khai thác mặt bằng…; quyết toán bàn giao vốn; triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại Tổng công ty; thu hồi công nợ; hoạt động pháp lý, thanh, kiểm tra, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ; các công tác khác…đều được thực hiện quyết liệt, có bài bản, chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới và đạt hiệu quả cao.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Trần Tấn Đức cho biết, trên cơ sở kết quả khả quan đạt được của năm 2024, căn cứ phân tích từ điều kiện thực tiễn, quyết tâm cao của Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, toàn Tổng công ty sẽ phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu. Cụ thể, lượng mua vào quy gạo là 985.000 tấn đạt 105,24% so kế hoạch 2024; Lượng gạo bán ra là 985.000 tấn (xuất khẩu 743.000 tấn, nội địa 242.000 tấn) đạt 105,24% so kế hoạch 2024; Kim ngạch xuất khẩu 449,785 triệu USD đạt 104,96% so với kế hoạch 2024; Doanh thu 17.695,000 tỷ đồng đạt 103,45% so kế hoạch 2024 và lợi nhuận Tổng công ty đạt 106,930 tỷ đồng, trong đó khối Công ty mẹ lãi là 5 tỷ đồng đạt 138,89% so với kế hoạch 2024…
Kết thúc trình bày báo cáo, Phó Tổng Giám đốc Bạch Ngọc Văn nhấn mạnh, 03 năm vừa qua, kể từ năm 2022 đến nay chính là thời gian tạo nhiều thay đổi, điểm nhấn, sự khác biệt của Tổng công ty so với thời gian trước đây. Trước năm 2022, từ chỗ hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, tài chính không lành mạnh, các tổ chức tín dụng “quay lưng”, mất lòng tin đối với bạn hàng thì nay, Tổng công ty đã trở lại vị thế hàng đầu trong ngành kinh doanh lúa gạo trên cả nước, lấy lại niềm tin của các ngân hàng cũng như bạn hàng trong nước và quốc tế…Theo Phó Tổng Giám đốc Bạch Ngọc Văn, yếu tố quan trọng nhất làm nên sự khác biệt nói trên chính là việc Ủy ban bổ nhiệm vị trí người đứng đầu Tổng công ty vào cuối năm 2021…
Đồng tình với nội dung trình bày của đồng chí Trần Tấn Đức và Bạch Ngọc Văn, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban chia sẻ, Vinafood II là 1 trong 5 doanh nghiệp được xếp vào diện khó khăn khi về Ủy ban vào năm 2018, song cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ủy ban, đặc biệt là quyết sách về điều chỉnh nhân sự cấp cao, Vinafood II đã có được các thành tích nổi bật, lợi nhuận tăng trưởng dần trong 03 năm vừa qua. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh cũng đánh giá cao nỗ lực của toàn Tổng công ty trong việc đoàn kết, đồng lòng chuyển đổi mô hình quản trị từ phân tán sang tập trung, xây dựng các quy chế, chính sách phù hợp, tăng hiệu quả công tác để có được kết quả như ngày hôm nay.
Mặc dù vậy, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh nhắc nhở lãnh đạo Tổng công ty phải luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, phối hợp có hiệu quả trong các công tác, từ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc với các đơn vị phụ thuộc nhằm không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đạt được kết quả ngày càng khả quan hơn, đặc biệt là tăng thu nhập cho người lao động Tổng công ty, sử dụng có hiệu quả các cơ sở nhà đất mà Tổng công ty đang quản lý theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế thông thoáng để khai thác, tăng nguồn thu hợp lý, hợp lệ cho Tổng công ty đối với các cơ sở nhà đất…. Bên cạnh đó là thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh công tác chống lãng phí theo chỉ đạo của Trung ương cũng như tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18 của BCH TW Đảng…
Tiếp thu đầy đủ và toàn diện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh, đồng chí Nguyễn Huy Hưng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty khẳng định, trong 03 năm qua, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, lãnh đạo Tổng công ty đã luôn đoàn kết, đồng lòng trong mọi quyết định, chính sách, chủ trương, cơ chế, tạo sự đồng thuận cao trong công tác Đảng cũng như chính quyền, từng bước sắp xếp nhân sự phù hợp, phát huy tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với văn phòng Tổng công ty và các đơn vị phụ thuộc. Tình trạng đơn thư, khiếu kiện gần như không còn hoặc đã được giải quyết thỏa đáng…
Về công tác công đoàn, báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Thanh Châu, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty cho biết, công tác an sinh xã hội, thiện nguyện luôn được Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Công đoàn Tổng công ty quan tâm và coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Trong năm 2024, được sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Tổng công ty, Công đoàn Vinafood II đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho người lao động nhân dịp Lễ 30/4, Quốc tế Lao động 01/5; gần 750 triệu đồng cho các cháu thiếu nhi là con của công nhân lao động nhân ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, khen thưởng học sinh giỏi; tặng 1.271 suất quà hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 870 triệu đồng; hỗ trợ xây 04 căn nhà Tình nghĩa với số tiền hơn 200 triệu đồng, xây dựng 02 căn nhà tình thương với số tiền 95 triệu đồng, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 số tiền 200 triệu đồng, ủng hộ 1,5 tỷ xây nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã được khánh thành ngày 22/12 vừa qua…
Chúc mừng và đồng thuận với báo cáo của Công đoàn Tổng công ty, đồng chí Nguyễn Hà Xuyên, UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn NN&PTNT VN đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong 03 năm trở lại đây. Đồng chí Nguyễn Hà Xuyên cho rằng, sản xuất kinh doanh và chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động luôn là các vấn đề cần được sự quan tâm từ lãnh đạo Tổng công ty, cụ thể là làm tốt, đi đầu trong công tác thiện nguyện, an sinh xã hội, chung sức, góp phần vào chương trình xóa đói, giảm nghèo do Đảng, nhà nước phát động…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Hưng đánh giá cao vai trò của HĐQT, Ban Tổng Giám đốc cũng như nỗ lực của lãnh đạo các đơn vị thành viên toàn Tổng công ty trong hoạt động chỉ đạo điều hành, chung sức chung lòng vượt khó, toàn tâm nhất trí, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu trong 03 năm qua. Đa phần các đơn vị phụ thuộc, các công ty chi phối đều có mức tăng trưởng so với thời điểm trước năm 2022. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Huy Hưng cho rằng, sau 03 năm áp dụng mô hình quản trị tập trung, dù mang lại các kết quả khả quan, song đến nay cũng cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn nữa trong tương lai.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Nguyễn Huy Hưng nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả khả quan đạt được năm 2024, toàn Tổng công ty cần quán triệt mạnh mẽ, sâu sắc chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban. Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc cần quyết liệt hơn nữa trong việc xây dựng hệ thống quy định, quy chế phù hợp, có tác dụng làm căn cứ cho mọi hoạt động của Tổng công ty. Đây cũng là cơ sở cho việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ ở mọi cấp, mọi đơn vị trực thuộc…, phát huy mọi nguồn lực để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2025; chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ Tổng công ty lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Huy Hưng cũng yêu cầu toàn bộ Tổng công ty cần chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, phối, kết hợp tốt giữa các Ban nghiệp vụ Tổng công ty với các đơn vị, công ty con nhằm đem lại hiệu quả cao nhất…
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban đã trao cờ, bằng khen, danh hiệu thi đua cho các tập thể, cá nhân thuộc Tổng công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024…
Một số hình ảnh tại Hội nghị: