Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng tham dự Diễn đàn Mùa thu TP. Hồ Chí Minh – New York 2024

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện của Diễn đàn Mùa thu Việt Nam – Hoa Kỳ (Vietnam – US Fall Forum – VUFF) diễn ra từ 25/10 đến 2/11, ngày 31/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đã tham dự Diễn đàn Mùa thu TP. Hồ Chí Minh – New York 2024 và có bài tham luận tại Diễn đàn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Mùa thu TP. Hồ Chí Minh – New York 2024
Đoàn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham dự Diễn đàn

Dự Diễn đàn Mùa thu TP. Hồ Chí Minh – New York 2024, có ông Phan Văn Mãi – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Quốc Dũng – Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; ông Đặng Hoàng Giang – Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc; ông Ted Osius – Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC); ông Edward Mermelstein – Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại của TP. New York; cùng hơn 200 doanh nghiệp, diễn giả đến từ Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phan Văn Mãi – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thông tin về các mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh khi xây dựng thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ, văn hóa giáo dục hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, tầm nhìn đến năm 2045, kỳ vọng TP. Hồ Chí Minh sẽ sánh vai với các đô thị lớn trên thế giới. Vì vậy, thành phố luôn chào đón những đối tác tiềm năng từ khắp nơi trên thế giới.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Với phương châm “hợp tác bền vững phát triển thịnh vượng”, thành phố mong muốn mỗi nhà đầu tư không chỉ là một đối tác mà còn là người bạn đồng hành trong hành trình này. TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào việc phát triển hạ tầng hiện đại và đồng bộ, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp công nghệ cao và đặc biệt ưu tiên cho những dự án có liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sáng tạo, và các giải pháp bền vững cho phát triển đô thị.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh kêu gọi sự hợp tác của các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, những nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước cùng chung tay phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành điểm đến hấp dẫn và là một trung tâm hội tụ những ý tưởng, những sáng tạo đột phá. “Thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, là minh chứng sống động cho sự thành công trong đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” – ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng trình bày tham luận “Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay” tại Diễn đàn Mùa thu TP. Hồ Chí Minh – New York 2024

Gỡ điểm nghẽn thể chế để thu hút nhà đầu tư

Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đã có bài tham luận “Sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay”. Theo đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán tổng cộng 20 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA này đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, với các nhóm hàng chủ yếu như điện thoại và linh kiện, dệt may, thủy sản, cao su…

Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam luôn trong nhóm 30 nước có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Trong khối ASEAN, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam xếp vị trí số 2, chỉ đứng sau Singapore. Trích dẫn khảo sát của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiến hành trong quý III/2024, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho biết: Có 19,5% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới; và có 20,5% doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tham gia sâu vào chuỗi xuất khấu, cung ứng. Bên cạnh đó, về công tác quản trị doanh nghiệp hướng đến thông lệ quốc tế, tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã triển khai và giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số quản trị doanh nghiệp bền vững (Corporate Sustainability Index – CSI) từ năm 2015, dựa trên 153 chỉ số, áp dụng Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững hàng năm. Qua đó, trình độ của chủ doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, phản ánh sự chuyên nghiệp hóa và cải thiện kỹ năng quản trị.

Năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích thực hành theo các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, và Quản trị), điều này được hỗ trợ bởi các công cụ như sổ tay về quy định pháp lý ESG và bộ chỉ số đánh giá CSI. Các doanh nghiệp đã bắt đầu áp dụng những sáng kiến về kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải carbon, trong khi chương trình CSI giúp họ quản lý môi trường tốt hơn và nâng cao tính bền vững. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với những thách thức liên quan đến việc duy trì sự cân bằng giữa phát triển và sự chuyển đổi môi trường kinh doanh đầy biến động. Nỗ lực nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh, với mục tiêu cụ thể là tăng số lượng doanh nghiệp mới thành lập, cải thiện khả năng tiếp cận vốn và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng trao đổi với các các đại biểu tham dự Diễn đàn

Từ những nỗ lực trên, mức độ minh bạch của các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện rõ rệt trong những năm qua. Cụ thể, xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) công bố đã tăng 10 điểm trong giai đoạn 2013 – 2023, lên thứ 83/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Minh bạch thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024 tiếp tục là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang dần cải thiện hệ thống quản trị và tăng cường cam kết trong việc minh bạch thông tin, nhất là qua các báo cáo tài chính và phát triển bền vững.

Theo khảo sát từ 1/5/2023 tới 30/4/2024, số lượng doanh nghiệp đạt chuẩn Công bố thông tin năm 2024 tăng mạnh, lên 60% doanh nghiệp so với 50% của năm 2023 cho thấy các doanh nghiệp đã gia tăng nhận thức và tạo được kết quả dịch chuyển lớn trong hoạt động công bố thông tin trên phạm vi toàn thị trường. Tình trạng tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp đang được kiểm soát chặt chẽ. Các quy định pháp luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính và xử lý vi phạm được thực hiện thông qua cơ chế xử lý của Tòa án. Các vụ việc liên quan đến hành vi không minh bạch sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tạo môi trường kinh doanh công bằng. Việt Nam đang ngày càng nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là bảo vệ các thương hiệu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, Việt Nam hiện là nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) duy nhất thiết lập tất cả các trụ cột hợp tác với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam sẽ tiếp tục quyết liệt trong hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện phát triển của mình và cam kết quốc tế; đề cao và thực sự tôn trọng các cam kết quốc tế với quyết tâm chính trị cao. Trong quá trình hợp tác, các doanh nghiệp Việt Nam luôn đề cao quan điểm “win-win”, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên. Hai bên thúc đẩy các cuộc đàm phán và trao đổi thông tin một cách thẳng thắn, rõ ràng, giúp tăng cường lòng tin và giải quyết các vấn đề và được các đối tác quốc tế đánh giá cao vì tính minh bạch và cam kết về hiệu quả hợp tác.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp hình lưu niệm