Đại diện Vinafood II tham dự Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Ngày 6/8 tại Hà Nội, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức, chủ trì Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo: Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, UBND TP.Hà Nội, UBND TP.Hồ Chí Minh, một số chuyên gia và đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu…
Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng giám đốc – Đại diện Vinafood II tham dự Tọa đàm.

Phó TGĐ Vinafood II – Nguyễn Văn Hiển tham dự Tọa đàm

Tọa đàm được tổ chức để trao đổi, thảo luận một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quá trình xây dựng Luật Quản lý và đầu tư  vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) được ban hành từ năm 2014 đã góp phần tạo môi trường pháp lý cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp nhà nước ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vướng mắc khi triển khai thực hiện.

Đến nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua về việc bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024. Lãnh đạo Ủy ban xác định đây là Dự án Luật rất quan trọng có tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến hoạt động của Ủy ban và các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, do đó đã đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thuộc Ủy ban và các doanh nghiệp trực thuộc tập trung rà soát, nghiên cứu, tham gia ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật. Đồng thời, đã thành lập Tổ công tác tham gia phối hợp xây dựng Luật của Ủy ban do đồng chí Chủ tịch Ủy ban làm Tổ trưởng, 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban là Tổ phó và các thành viên là Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ủy ban, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu.

Trong quá trình tham gia xây dựng Dự án Luật, Ủy ban đã tích cực tham gia nghiên cứu, góp ý (06 văn bản chính thức), đồng thời tích cực tham gia, tổ chức nhiều cuộc họp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan trong việc tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Luật. Tính đến ngày 06/8/2024, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã gửi ý kiến tham gia góp ý đối với Dự thảo Luật về Ủy ban và đồng gửi Bộ Tài chính.

Ủy ban cũng đã có Công văn số 1550/UBQLV-PCKS ngày 12/7/2024 góp ý gửi Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào một số nội dung (1) Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng (2) Về quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể chủ sở hữu vốn, đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền (3) Về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu và (4) Thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Ngoài các nội dung trọng tâm nêu trên, Ủy ban góp ý chi tiết cụ thể các điều khoản luật tại Công văn 1550/UBQLV-PCKS liên quan đến các nội dung như:
(1) Giải thích từ ngữ, làm rõ nội hàm một số khái niệm, thuật ngữ;
(2) Về kiểm soát viên;
(3) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
(4) Về đánh giá doanh nghiệp, người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên
(5) Về hợp nhất, sáp nhập
(6) Về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp
(7) Quản trị doanh nghiệp
(8) Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp
(9) Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
(10) Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan tài chính cùng cấp
(11) Về phân phối lợi nhuận sau thuế
(12) Đầu tư ra nước ngoài
(13) Xử lý mâu thuẫn xung đột của Luật này với Luật khác
(14) Báo cáo đánh giá tác động
(15) Liên quan đến thực hiện chủ trương, chỉ đạo về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật và một số nội dung khác.

Tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng cho biết: Ủy ban rất quan tâm đến công tác tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp do cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đề nghị các đại biểu là đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm, tích cực báo cáo về tình hình thực tiễn, thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển; đồng thời, đóng góp ý kiến tại Tọa đàm về những nội dung quan trọng như đối tượng áp dụng, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác phân cấp, phân quyền; quản lý, cơ cấu nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp F1, F2…

Phát biểu kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban ban Đỗ Hữu Huy ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại diện các Ban, Bộ ngành, các  đại diện các Vụ chuyên môn và đặc biệt là đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban. Theo Phó Chủ tịch, các ý kiến trao đổi, thảo luận cũng cơ bản đồng tình thống nhất về việc cần tiếp tục kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng các quy định cụ thể tại Dự thảo Luật cũng cần rà soát để bảo đảm các nội dung quan trọng như thể chế hóa đầy đủ, bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực của Luật số 69/2014/QH13; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp, giảm các công việc sự vụ phải xem xét, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; quy định rõ quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó, đề nghị nghiên cứu kết cấu các quy định theo chủ thể thực hiện; và quy định, xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi, lĩnh vực, nguyên tắc, hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Đây là dự án Luật rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả buổi Tọa đàm hôm nay, thay mặt Lãnh đạo Ủy ban, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tham dự và các ý kiến đóng góp, trao đổi, phân tích của các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ tổ chức thành công Tọa đàm này” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

Nam Hải (tổng hợp).