Đại diện Vinafood II tham dự Họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

Ngày 6/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì cuộc Họp đề xuất thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương; đại diện các Ban, Bộ ngành liên quan; UBND các tỉnh, thành phố có diện tích gieo cấy lúa lớn; các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo và các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng giám đốc – Đại diện Vinafood II tham dự Hội nghị.

Phó TGĐ Vinafood II – Nguyễn Văn Hiển tham dự Hội nghị

Theo đại diện Bộ Công Thương – một trong các cơ quan đề xuất trình Chính phủ về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, trong khoảng 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và phát triển kinh tế – xã hội. Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội, tạo sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn và đóng góp gần 12% GDP của quốc gia (năm 2023). Tuy nhiên, người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới và các biến động thị trường. Năng suất và sản lượng lương thực của Việt Nam trong ba thập niên qua luôn tăng trưởng. Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là sản xuất thiếu gắn kết dẫn đến chất lượng và giá trị gia tăng thấp, nguy cơ mất động lực sản xuất, sáng tạo, áp dụng công nghệ, số hóa để chuyển hóa hệ thống lương thực thực phẩm. Nhà cung cấp, chế biến, và phân phối lương thực thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, hệ thống hậu cần chưa hoàn thiện. Kiến thức, thái độ, hành vi của người tiêu dùng – một trong những yếu tố cấu thành thiết yếu trong hệ thống lương thực thực phẩm còn hạn chế…

Trong khi đó, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của an ninh lương thực. Tại Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị xác định an ninh lương thực quốc gia là vấn đề quan trọng, thiết yếu của đất nước trước mắt và lâu dài khi nguồn cung tiếp tục chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ Năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trước bối cảnh thị trường có nhiều biến động ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Để đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người nhập khẩu đòi hỏi phải có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, liên kết, điều phối một cách đồng bộ, đồng lòng, hiệu quả của tất cả các ngành các cấp, các địa phương, của cả hệ thống chính trị trong phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, để hướng đến mục tiêu đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn thu nhập cho người trồng lúa và vùng sản xuất lúa, nâng cao khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài tài nguyên (đất lúa, nguồn nước, đa dạng sinh học,…) rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung ngành lúa gạo bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của các Bộ. Quan điểm, chủ trương của Đảng về vai trò của lúa gạo đối với phát triển kinh tế xã hội, kinh nghiệm của quốc tế và thực tiễn thời gian qua đều chỉ ra sự cần thiết thành lập một tổ chức phối hợp liên ngành để điều phối ngành hàng lúa gạo nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới. Tổ chức phối hợp này có sứ mệnh:

– Tạo sự đồng thuận chung trong việc xây dựng và thực thi các chính sách đối với mặt hàng lúa gạo (bao gồm cả sản xuất, chế biến, xuất khẩu).

– Theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành thực thi chính sách, vận hành các chương trình trong ngành lúa gạo

-Đảm bảo sự phát triển bền vững, hướng tới sản xuất xanh, đáp ứng nhu cầu thị trường, cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xuất khẩu với tiêu dùng nội địa và nhập khẩu.

– Thúc đẩy nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành lúa gạo.

-Tham vấn điều phối các vấn đề mới, có tính khẩn cấp trong phát triển ngành hàng lúa gạo.

– Trực tiếp tổ chức và thực hiện một số hoạt động nghiên cứu, phân tích, dự báo về phát triển và hoạch định chính sách đối với ngành hàng lúa gạo.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các ý kiến, tham luận các các Bộ: Nội vụ, Ngoại giao, Tài chính..Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam cùng các UBND tỉnh: Thái Bình, Nam Định, An Giang, Kiên Gang, Đồng Tháp và chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp…Dù các ý kiến dưới góc độ này, góc độ khác có sự khác nhau nhưng tựu chung, đại đa phần các đại biểu đều thống nhất quan điểm, việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là rất cần thiết. Tuy vậy, đại diện Bộ Nội vụ cũng lưu ý thêm về vấn đề pháp lý khi trình Chính phủ thành lập Hội…

Kết luận cuộc họp, trên cơ sở ý kiến các đại biểu tham dự, 2 Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, đồng thời thống nhất quan điểm thành lập Tổ xây dựng Hội đồng lúa gạo quốc gia, trong đó 01 Thứ trưởng Bộ Công Thương là tổ trưởng, lãnh đạo Cục XNK Bộ Công Thương là tổ phó. Đại diện một số Cục, Vụ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…là thành viên.  

Được biết, dự kiến Hội đồng lúa gạo quốc gia do 01 đồng chí lãnh đạo Chính phủ là Chủ tịch Hội đồng, 02 Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các Uỷ viên Hội đồng bao gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Đại diện lãnh đạo các Hội, Hiệp hội: Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam; Đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương: Thái Bình, Nam Định, TP.Hồ Chí Minh, 13 địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau)…

Nam Hải