Chiều 30/9, tại TP. Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).
Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Kiểm soát nội bộ, Vụ Nông nghiệp và Văn phòng Ủy ban.
Về phía Vinafood II, có đồng chí Nguyễn Huy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng chí Trần Tấn Đức – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, cùng các Thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành của Tổng công ty.
Sau lời phát biểu chào mừng của đồng chí Nguyễn Huy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood II, đồng chí Trần Tấn Đức, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc báo cáo với đoàn công tác: Từ khi chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần đến năm 2021, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, sau khi kiện toàn chức danh người đứng đầu, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện pháp luật, tập thể cấp ủy, Hội đồng quản trị, Ban Điều hành Vinafood II đã đoàn kết, đồng lòng và quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng nhiều giải pháp, lãnh đạo, quản trị và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn trong công tác tái cơ cấu tổ chức bộ máy và sắp xếp cán bộ, nổi bật là đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo các cấp của Tổng công ty, cùng với sự ủng hộ của cổ đông chiến lược và sự đồng thuận cao của Ban Điều hành Tổng công ty, Vinafood II đã ngăn chặn được đà thua lỗ và hoạt động kinh doanh có lãi từ năm 2022 đến nay (năm 2022 lãi 91,3 tỷ đồng, năm 2023 lãi 122,1 tỷ đồng).
Năm 2024, Tổng công ty tiếp tục bám sát kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được chủ sở hữu, Đại hội đồng cổ đông thông qua, thực hiện nhiều giải pháp trong quản trị điều hành sản xuất, kinh doanh, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Về kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, Vinafood II đã mua vào 1.057.623 tấn gạo, xuất khẩu 706.765 tấn gạo, bán ra thị trường nội địa 205.841 tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 427 triệu USD; Doanh thu đạt hơn 16.000 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước hơn 123 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood II Nguyễn Huy Hưng, thực hiện thay đổi mô hình quản trị doanh nghiệp từ phân tán sang mô hình quản trị tập trung từ đầu năm 2022 với định hướng mọi hoạt động từ kinh doanh, dòng tiền, tài chính, đầu tư, sản xuất được tập trung về một đầu mối để quản trị, điều hành; Vinafood II đã có thể quản lý chặt chẽ, kịp thời mọi hoạt động, tập trung và phát huy nguồn lực, giúp Tổng công ty nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả. Trong công tác tái cơ cấu, Tổng công ty đã tập trung tái cơ cấu các đơn vị phụ thuộc, công ty con, phát huy lợi thế vùng của từng đơn vị. Qua quá trình tái cơ cấu từ năm 2022 đến nay đã phát huy tác dụng, hầu hết các đơn vị hoạt động có hiệu quả, còn một số đơn vị đang tiếp tục tái cơ cấu, phấn đấu năm 2024 đạt hiệu quả toàn Tổng công ty.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, Vinafood II đã tập trung tái cơ cấu lĩnh vực ngành nghề, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nhân sự, kiện toàn các chức danh quản lý từ công ty mẹ đến các chi nhánh, công ty con, tập trung phát triển các đơn vị theo lợi thế vùng nguyên liệu và năng lực hiện có; cải tiến phương thức chi trả lương để tạo động lực cho người lao động; quan tâm, chỉ đạo sâu sát trong công tác quản lý vốn đầu tư, đã giúp cải thiện được hiệu quả hoạt động của một số công ty cổ phần có vốn góp của Tổng công ty. Vinafood II đã từng bước xây dựng lại vị thế, hình ảnh của Tổng công ty đối với khách hàng, thị trường. Sản lượng, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng dần qua từng năm và hiện đang là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo có sản lượng, kim ngạch đứng đầu cả nước, đặc biệt năm 2023 sản lượng bán ra gần 1,6 triệu tấn gạo, doanh thu hơn 23.600 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hơn 700 triệu USD.
Nhờ hoạt động ổn định, kinh doanh có hiệu quả, Vinafood II đã tạo được niềm tin, uy tín với các ngân hàng, từ đó, được các ngân hàng ủng hộ cho vay vốn phục vụ cho sản xuấ,t kinh doanh, từ mức hạn mức được cấp tối đa là 1.000 tỷ đồng trong năm 2021-2022, đến nay Tổng công ty đã được nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng tin tưởng, cấp hạn mức lên đến trên 5.000 tỷ đồng trong đó có cả hạn mức tín chấp; khắc phục dần những hạn chế, khó khăn về nguồn vốn, giúp Tổng công ty chủ động nguồn vốn, tính toán chiến lược mua, bán tồn kho hợp lý, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn. Công tác đầu tư đã đi vào trọng tâm, trọng điểm, máy móc thiết bị đã có nhiều cải thiện, giúp sản phẩm của Vinafood II đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, giá thành sản phẩm hợp lý, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trên cơ sở báo cáo của Vinafood II, ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Nông nghiệp, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi trước những chuyển biến tích cực của Vinafood II trong những năm qua. Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, Vinafood II là một trong những điển hình tiêu biểu, khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước, đã có những điều chỉnh về bộ máy tổ chức của cán bộ lãnh đạo, bám sát và đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng Đề án tái cơ cấu, thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp; đặc biệt, cùng với đó là sự chủ động, cố gắng và nỗ lực nội tại của các doanh nghiệp, đã từng bước giúp Vinafood II vượt qua khó khăn, xây dựng lại vị thế, hình ảnh trong mắt đối tác và dư luận, bước đầu đã đạt được những kết quả sản xuất, kinh doanh tích cực, đáng ghi nhận và biểu dương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng thẳng thắn chỉ ra đây mới chỉ là thành công bước đầu; trước mắt, còn nhiều nhiệm vụ khó khăn, cần tới tinh thần tiếp tục nỗ lực duy trì sự cố gắng, tập trung của Vinafood II trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đề cập lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước diễn ra vào ngày 15/6 vừa qua: “phát huy tối đa lợi thế nguồn lực và huy động tối đa sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng lưu ý Vinafood II một số quan điểm, định hướng về đổi mới và tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Theo đó, Tổ đại diện phần vốn nhà nước cần phối hợp với Hội đồng quản trị Tổng công ty, tăng cường kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với các doanh nghiệp thành viên kinh doanh thua lỗ, mất an toàn về tài chính; có giải pháp cơ cấu lại các doanh nghiệp này tránh thất thoát vốn và tài sản của doanh nghiệp. Tổng công ty cũng cần tích cực thực hiện đối chiếu công nợ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan thi hành án thực hiện thu hồi công nợ theo quy định của pháp luật, lành mạnh hóa tài chính của Tổng công ty. Bên cạnh đó, Vinafood II cũng cần tăng cường quản trị doanh nghiệp theo các văn bản của Ủy ban chỉ đạo về công tác tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền tập trung, việc mua bán hàng hóa theo quy chế của Tổng công ty; tiếp tục rà soát kế hoạch chi phí năm 2024 để thực hiện tiết giảm tối đa chi phí theo quy định.
*Một số hình ảnh tại buổi làm việc: