Những ngày vừa qua, cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản. Để khẩn trương khắc phục hậu quả, toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan Trung ương và địa phương đã huy động nguồn nhân lực và vật lực lớn, khôi phục lại giao thông, điện, viễn thông… nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân. Trước tình hình đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẩn trương làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, nắm bắt tình hình thiệt hại và nhanh chóng thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục thiệt hại sau bão.
Bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Bộ; tăng cấp không theo quy luật; thời gian lưu bão trên đất liền dài; vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to, lũ lớn; một số nơi vượt mức lũ cao nhất trong lịch sử; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 công điện và liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất; thành lập các Đoàn do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương; quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão. Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 3 rất lớn. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17 giờ 30 phút ngày 15/9/2024, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích). Nhu cầu về nguồn lực để khắc phục hậu quả là rất lớn.
Thiệt hại rất lớn về con người và tài sản của doanh nghiệp
Trước tình hình phức tạp của cơn bão số 3 gây ra, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẩn trương làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nắm bắt tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp.
Theo đó, về con người, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) có 2 thủy thủ của Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả bị thiệt mạng khi đang tham gia công tác trực để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 1 cán bộ điện lực Vĩnh Phúc tử vong khi tham gia tăng cường khắc phục hệ thống điện sau bão tại tỉnh Quảng Ninh. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có 1 người lao động tử vong khi đang tham gia công tác trực, phục vụ việc bảo đảm thông tin liên lạc được thông suốt, 1 cán bộ trong khi thực hiện nhiệm vụ trực tại đơn vị thì vợ (là giáo viên) và hai con ở nhà mất do lũ bất ngờ ập vào nhà.
Về tài sản, vật chất, trong lĩnh vực năng lượng, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 2.175 cột điện bị gãy, đổ; gần 500 cột điện bị sạt lở, nghiêng; 48 trạm biến áp bị hư hỏng; 71.466m dây dẫn bị hư hỏng gây mất điện sinh hoạt và sản xuất trên diện rộng. Đến nay, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn khoảng gần 50% khách hàng đang mất điện. Tại các tỉnh ngập lụt, sạt lở, do nước chưa rút và chính quyền địa phương đang tập trung cho công tác cứu hộ, cứu nạn nên chưa thể thống kê được các thiệt hại của ngành điện.
Bão số 3 đã khiến nhiều công trình tại các khu vực sản xuất của TKV bị hư hại nặng nề như Trung tâm quản lý dữ liệu quan trắc môi trường, tòa nhà điều hành của Tập đoàn tại Quảng Ninh, các xưởng, kho vật tư, kho vật liệu nổ, nhà công trường, phân xưởng…; phá hủy 50 m hệ thống thoát nước mỏ +45 Nam của khai trường mỏ than Cọc Sáu; sụt lở 70 m đường vận chuyển ra bãi thải Nam Khe Tam mỏ Đèo Nai; 9 công trình khoan công trình khoan ở độ sâu 400 ÷ 800 m phải dừng hoạt động dài ngày, có nguy cơ sập lở thành lỗ khoan dẫn đến phải thi công lại…
Khoảng 60 cửa hàng xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại về bão do bay diềm mái che, đổ bảng giá, vỡ cửa kính. Có 30 cửa hàng xăng dầu tại các tỉnh khác bị ngập nước phải dừng bán hàng do hoàn lưu sau bão gây mưa lớn.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, vận tải hành khách và logistics, cơn bão số 3 đi qua đã làm ngập úng tại các nút giao Phố Lu, IC14, IC16 gây hư hại thiết bị thu phí, làm bong bật các tấm alumina, gãy đổ cây trồng, mất điện lưới tại các nhà trạm thu phí. Mưa bão đã gây sạt lở taluy nền đường và tứ nón cầu, vùi lấp rãnh thoát nước. Một số biển báo, hàng rào bị gãy đổ, hư hỏng,… Đặc biệt, do nước sông Hồng lên cao kết hợp với mưa bão đã làm sạt lở lớn mái ta luy tại Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (tại Km139, Km153, Nút giao IC18…) ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu công trình và gây hạn chế giao thông trên tuyến.
Thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, ước tính khoảng 130 tỷ, trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt. Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi bị thiệt hại về tài sản trang thiết bị nhà ga (hư hỏng tôn lợp mái nhà ga, trần nhà ga, vỡ cửa kính lối vào nhà ga, các biển chỉ dẫn trong nhà ga,…); các phương tiện phục vụ mặt đất (vỡ kính mica mái che xe thang, vỡ kính cửa sổ xe chở khách,…); hàng rào khu bay, hàng rào ranh giới cảng hàng không, sân bay; cây xanh bị ngã đổ.
Trang thiết bị, nhà kho, một số cẩu của cảng Hải Phòng bị trật ray, biến dạng kết cấu do sức gió quá lớn; nhiều kho hàng, văn phòng bị thiệt hại nặng như: bị tốc mái, ướt hàng lưu trong kho, ước tính tổng thiệt hại: gần 27,5 tỷ đồng (chưa kể thiệt hại một số cẩu của cảng Hải Phòng cần có sự đánh giá của nhà sản xuất và chi phí giám định thiệt hại).
Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng mạng lưới kỹ thuật viễn thông đã gãy đổ 12 cột cao, hư hỏng 270 đường điện, đứt 670 đường cáp quang; hư hỏng 220 nhà trạm. Tỷ lệ trạm mất liên lạc tại các tỉnh trọng điểm (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương) tại thời điểm sau bão ngày 7/9/2024 vào khoảng 40-50% do mất nguồn điện và đứt truyền dẫn. Đối với dịch vụ di động, số lượng cơ sở hạ tầng mất liên lạc cao điểm nhất vào ngày 8 – 9/9/2024 lên tới 2512 cơ sở hạ tầng. Đối với dịch vụ băng rộng cố định, số lượng thiết bị truy nhập (OLT + L2SW) mất liên lạc thời điểm cao điểm nhất vào ngày 8 – 9/9/2024 lên tới 1,292 thiết bị (chiếm 13,3% tổng số thiết bị truy nhập của 16 tỉnh/thành phố); số lượng thuê bao băng rộng cố định bị ảnh hưởng cao điểm là 976.095 (chiếm 45,8%) thuê bao (bao gồm thuê bao ảnh hưởng do mất điện lưới); trong đó, các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất của bão số 3 đổ bộ trực tiếp là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Các tỉnh ảnh hưởng nặng nhất do hoàn lưu bão: Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, do có sự chủ động trong công tác phòng chống bão số 3, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu không bị thiệt hại nhiều do bão số 3; tuy nhiên, các nhà xưởng sản xuất, nhà kho,… cũng bị ảnh hưởng (tốc mái tôn, cây cối bị đổ).
Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, hầu hết các đơn vị lâm nghiệp phía bắc của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đều bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. Qua thông tin các đơn vị báo cáo, vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là các đơn vị khu vực Đông Bắc gồm: Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập, Lộc Bình, Đông Bắc; Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên và Công ty cổ phần giống Lâm nghiệp vùng Đông Bắc; Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Diện tích vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại: 1.237 ha rừng trồng; giá trị rừng trồng thiệt hại ước tính khoảng 25,9 tỷ đồng; vườn ươm khoảng: 4,4 tỷ; tài sản khác: 2,0 tỷ đồng). Một số hệ thống máy móc, nhà kho bị thiệt hãi do cơn bão số 3, dẫn tới một số hàng hóa nông sản dễ bị ẩm móc và hư hỏng; một số đơn vị thành viên khác của Tổng công ty trên địa bàn các tỉnh như Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Sơn La… hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng bị ảnh hưởng rất lớn sau bão.
Lãnh đạo, chỉ đạo các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, khắc phục hậu quả của bão số 3
Trước những thiệt hại kể trên, thực hiện các công điện của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động các biện pháp phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra; ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi diễn biến bất lợi của thời tiết, bảo vệ tính mạng cán bộ, người lao động và tài sản của đơn vị; hỗ trợ người dân, địa phương vùng bị ảnh hưởng; đồng thời, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Đối với công tác khắc phục hậu quả sau bão và hoàn lưu bão, Ủy ban đã chỉ đạo, phân công Lãnh đạo các đơn vị của Ủy ban phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương tập trung khắc phục các tài sản bị hư hỏng; khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão và hoàn lưu bão; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan kịp thời xử lý đối với biến động giá cả bất thường và cung cầu những mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, bảo đảm ổn định thị trường, cung cầu, lưu thông hàng hóa thông suốt.
Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty ủng hộ gần 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 3
Nhằm chung tay khắc phục hậu quả bão số 3, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã kịp thời triển khai các hoạt động vận động, quyên góp và triển khai ủng hộ, hỗ trợ, chia sẻ trước những thiệt hại do cơn bão gây ra. Đến nay, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã ủng hộ gần 500 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ủng hộ 93,5 tỷ đồng; TKV ủng hộ 70 tỷ đồng; VNPT ủng hộ 50 tỷ đồng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone ủng hộ 51 tỷ đồng, EVN ủng hộ 30 tỷ đồng…
Trong thời gian tới, các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đến các tỉnh bị thiệt hại để chia sẻ với người dân và ủng hộ địa phương; cung cấp các chuyến xe 0 đồng để vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm đến vùng bị ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão; ủng hộ hóa chất để xử lý nước, gạo đến người dân.
Nỗ lực hết mình, sớm khắc phục hậu quả bão số 3
Các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 đã kịp thời ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh (riêng đối với hệ thống điện, dự kiến khắc phục xong và đi vào hoạt động trở lại trước ngày 20/9/2024); đồng thời, các Tập đoàn, Tổng công ty đóng trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng đã ủng hộ cho các hộ dân và các địa phương để sớm khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Trong lĩnh vực năng lượng, EVN đã tích cực triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 3. Đến nay, các phụ tải quan trọng tại tỉnh Quảng Ninh cơ bản đã cấp điện trở lại; trong đó, đã đóng điện được 44/59 đường dây 110 kV, 27/30 đường dây TBA 10kV; 148/180 đường dây trung áp; cấp điện trở lại cho 228.148/461.678 khách hàng (đạt tỷ lệ gần 50%). Các trạm bơm tiêu úng tại thị xã Đông Triều (Đức Chính, Việt Dân, Thủy An, Hồng Phong) đã được cấp điện trở lại. Tại Hải Phòng, 242/246 đường dây trung thế đã được khôi phục, 720.393/793.850 khách hàng đã cấp điện trở lại, đạt tỷ lệ 92%.
TKV đã tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão, dự kiến hết ngày 15/9/2024 hoàn thành. Số nhân lực trực tiếp đi làm ngày 12/9/2024 của các đơn vị sản xuất than tại Quảng Ninh là 39.487 người/56.995 người, tương ứng 69% tổng số lao động; bảo đảm cung ứng đủ than cho sản xuất điện.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, vận tải hành khách và logistics, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chỉ đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cát Bi đã chủ động triển khai ngay việc xử lý khắc phục hậu quả tại cảng để đảm bảo khôi phục lại hoạt động bay tại cảng.
Cụ thể, tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 7/9/2024 đã hoàn tất công tác kiểm tra đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, và đảm bảo an toàn khai thác trở lại; và vào lúc 00 giờ 05 phút ngày 8/9/2024, chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau thời gian tạm ngưng tiếp thu tàu bay do ảnh hưởng của bão. Tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 7/9/2024, cơ bản đã hoàn thành công tác khắc phục sau bão và vào lúc 01 giờ 38 phút ngày 8/9/2024 chuyến bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sau thời gian tạm ngưng tiếp thu tàu bay do ảnh hưởng của bão.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chỉ đạo lên phương án khắc phục và trang bị một số máy móc cần thiết để phục vụ chạy tàu sau khi thông tuyến; đến nay, đã thông tuyến, chạy tàu trở lại toàn bộ các tuyến đường sắt bị ảnh hưởng do bão.
Đến nay, toàn bộ tuyến vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ đã thông suốt; đặc biệt là 700 tấn hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường sắt, 30 tấn hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường hàng không từ thành phố Hồ Chí Minh ra miền Bắc.
Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, VNPT đã triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố dịch vụ di động và băng rộng cố định. Tính đến hết ngày 13/9/2024, VNPT đã khôi phục 95,22% các cơ sở hạ tầng trạm di động và đảm bảo liên lạc thông suốt; dự kiến khắc phục 4.78% cơ sở hạ tầng di động mất liên lạc cơ bản hoàn thành trước 20/09/2024; khôi phục liên lạc tất cả các huyện đảo tại Quảng Ninh (Cô Tô, Quan Lạn…), Hải Phòng (Bạch Long Vỹ, Cát Bà); khôi phục 97.4% thiết bị truy nhập trên toàn mạng và thuê bao internet cáp quang đã hoạt động là 1,91 triệu/2,13 triệu (tương ứng 89.8%). Dự kiến, VNPT sẽ khắc phục các thuê bao băng rộng cố định mất liên lạc về cơ bản hoàn thành trước ngày 30/9/2024.
Các cửa hàng MobiFone tại Hải Phòng, Quảng Ninh… đã mở cửa suốt đêm hỗ trợ sạc điện, roaming sóng miễn phí, cung cấp cho người dân nước máy, tín hiệu wifi; điều phối xe phát sóng di động hoạt động hết công suất để cứu hộ những khu vực khó khăn trong địa bàn các tỉnh, thành phố gặp bão.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã ủng hộ trên 11 tấn hoá chất xử lý nước, 1.000 túi quà bột giặt, chất tẩy rửa đến một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ (Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Cao Bằng) và người lao động bị ảnh hưởng trong Tập đoàn.
Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) bảo đảm số lượng lương thực, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu lương thực của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Nguồn: Theo cmsc.gov.vn