Vào ngày 31/7/2022, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh (SXKD) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty Lương thực miền Nam.
1. Tình hình sản xuất lương thực trong nước và thế giới
Trong nước
Về tiến độ gieo trồng, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tính đến cuối tháng 6/2022 vụ Đông Xuân đã thu hoạch dứt điểm với sản lượng ước đạt 10,9 triệu tấn. Vụ Hè Thu xuống giống đã thu hoạch được 260.000 ha, dự kiến thu hoạch tập trung vào tháng 7 và 8/2022.
Về cơ cấu giống, vụ Hè Thu 2022, sản lượng các giống lúa gieo sạ chính là OM18, ĐT8, OM5451 tăng so với cùng kỳ, trong khi đó giống IR50404, DS1 giảm so với cùng kỳ.
Về biến động giá cả, trong vụ Đông Xuân, giá lúa gạo diễn biến khá phức tạp, tăng giảm nhiều đợt theo sóng ngắn. Cụ thể, ngay từ đầu vụ giá lúa OM18/ĐT8 ở mức 6.100 – 6.200đ/kg và sau đó giảm xuống mức thấp nhất là 5.600 – 5.700đ/kg, tương đương với giá gạo thành phẩm cập mạn từ 10.200 – 10.300 đ/kg và dao động đến mức thấp nhất 9.700 – 9.800đ/kg trong giữa tháng 3. Đặc biệt, giá các loại phụ phẩm biến động rất cao, giá cám tăng trên 8.500 đ/kg.
Bước vào những ngày đầu tháng 6, sau khi lập đỉnh ở mức 10.600 đ/kg giao cập mạn, giá bắt đầu giảm ở mức 10.050 – 10.100đ/kg cho tới nay ở gạo vụ Đông Xuân. Còn với gạo vụ Hè Thu đang ở mức 9.700 – 9.800đ/kg. Giá phụ phẩm ở mức cao kỷ lục: cám 8.900đ/kg, trấu 2.200đ/kg,…
Chủ tịch Nguyễn Huy Hưng phát biểu trong buổi lễ.
Tình hình thế giới
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu năm 2022 đạt mức 513,67 triệu tấn, tăng 0,86% so với năm 2021. Mức tiêu thụ gạo toàn cầu năm 2022 đạt 514,4 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2021, chủ yếu tăng ở Ấn Độ. Vì quốc gia ngày dự kiến cung cấp lương thực cho các chương trình an ninh lương thực của Chính phủ để bù đắp lúa mì. Dự trữ gạo toàn cầu đạt 187,3 triệu tấn, giảm 0,4% so với năm 2021.
Thương mại gạo toàn cầu năm 2022 dự báo đạt 52,87 triệu tấn do sự gia tăng xuất khẩu từ Myanmar và Brazil. Thị trường nhập khẩu gạo toàn cầu giảm gần 3 triệu tấn, chủ yếu do dự trữ của Ấn Độ giảm mạnh vì lượng lớn gạo được giải phóng ra thị trường nội địa.
2. Tổng quan về kết quả thực hiện sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022
Về chỉ tiêu các mặt hàng chính mua vào, trong 6 tháng đầu năm 2022, các mặt hàng gạo, xăng dầu và xe Honda mua vào đều gần đạt và vượt so với kế hoạch. Về chỉ tiêu bán ra đối với ngành gạo trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng gạo bán là 252.554 tấn, số lượng đang giao và chưa giao là 86.614 tấn.
Về kinh doanh bột mì, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng bán ra mặt hàng này đã đạt kế hoạch về lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu là 14,7%. Ở lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chế biến, tình hình hoạt động đã dần đi vào ổn định và mang lại hiệu quả cao. Đơn vị luôn quan tâm đến việc cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt thị hiếu của người tiêu dùng, mang lại lợi thế cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Về tình hình kinh doanh các dịch vụ tại cảng, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với tác động từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nhưng Tổng công ty đã khai thác được thêm 7 khách hàng mới và khai thác mặt hàng container qua cảng làm hàng, tăng 3 lần so với cùng kỳ.
Buổi lễ có sự tham gia của toàn thể cán bộ nhân viên.
Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã hoàn thành mục tiêu trọng tâm, thu được kết quả khả quan trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, vinh dự nhận cờ thi đua khen thưởng dành cho đơn vị xuất sắc năm 2021.
Tổng công ty Lương thực miền Nam trao cờ thi đua cho các đơn vị xuất sắc năm 2021.
Được vinh dự nhận cờ thi đua chính là sự động viên rất lớn để toàn thể cán bộ của Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ để gặt hái những thành công mới trong giai đoạn tiếp theo.
3. Kế hoạch phát triển sản phẩm, thị trường trong 6 tháng cuối năm 2022
Một là, tiếp tục duy trì sự ổn định ở các thị trường, khách hàng truyền thống. Theo dõi mức độ cung – cầu nhằm đưa ra dự báo nhu cầu của các thị trường, định hướng kịp thời kế hoạch cho việc thu mua, tạo chân hàng, tận dụng được cơ hội khi nhu cầu nhập khẩu tại các nước tăng cao.
Hai là, tăng cường công tác marketing để khai thác tối đa thị trường, khách hàng thương mại mới. Song song với đó, phát triển thị trường nội địa trên cơ sở mở rộng quan hệ, tìm hiểu nhu cầu của khách hàng để đáp ứng về số lượng, chất lượng sản phẩm với giá bán cạnh tranh.Đối với các hoạt động mua bán, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, đặc biệt chú trọng hoạt động cung ứng cho các doanh nghiệp bên ngoài. Đồng thời, tăng cường tìm kiếm đối tác, khách hàng để khai thác tối đa công suất thuê kho, bến bãi, dịch vụ cảng.
Ba là, phân bổ hoạt động nghiên cứu phương án tăng sản lượng bột mì, cải tiến các dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất làm việc, đẩy mạnh năng lực sản xuất trong 6 tháng cuối năm. Về cơ cấu quản lý, tiếp tục phát huy mô hình quản trị tập trung về tài chính, kinh doanh, đầu tư và quản lý khai thác tài sản để phát huy nguồn lực toàn Tổng công ty, đẩy mạnh công tác quản lý điều hành các mặt hàng ngoài gạo nâng cao doanh thu và hiệu quả.
Trong bối cảnh năm 2022 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng Dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, chiến tranh Nga – Ukraine, chuỗi cung ứng đứt gãy, giá cả vật tư nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, sức mua yếu do lạm phát. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo, sự đồng lòng của tập thể cán bộ nhân viên, hy vọng rằng Tổng công ty sẽ đạt mức kế hoạch trong 6 tháng cuối năm 2022.